Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

32 trường châu Á lọt top 200 đại học tốt nhất thế giới

TTO – Tạp chí Times Higher Education của Mỹ vừa công bố danh sách các trường đại học đáng mơ ước nhất trên thế giới năm nay, trong đó Mỹ chiếm đa số với 72 trường, còn các nước châu Á - Thái Bình Dương đang dần khẳng định vị thế của mình với 32 trường.
Đại học Harvard (Mỹ) vẫn giữ ngôi đầu bảng với tổng số điểm 96,1/100. Các tiêu chí đánh giá chủ yếu bao gồm chất lượng dạy học, chất lượng nghiên cứu. Theo sau đó là các trường danh tiếng khác như Viện công nghệ California, đại học Stanford, Princeton… Đáng kể là châu Phi cũng góp mặt hai đại diện là đại học Cape Town (Nam Phi) và đại học Alexandria (Ai Cập).
Trong 32 trường nhóm châu Á - Thái Bình Dương lọt vào top 200 này, đại học Hong Kong đứng đầu với vị trí 21 của bảng xếp hạng. Hong Kong còn có thêm trường đại học Khoa học và công nghệ Hong Kong (xếp thứ 41), đại học Baptist Hong Kong (thứ 111) và đại học Bách Khoa Hong Kong (thứ 149).
Trung Quốc nổi lên là một trung tâm đào tạo chất lượng với đại học Bắc Kinh (thứ 37), đại học khoa học – công nghệ Trung Quốc (thứ 49), đại học Thanh Hoa (thứ 58), đại học Nam Kinh (thứ 120), đại học Tôn Dật Tiên (thứ 171), đại học Triết Giang (thứ 197). Đài Loan cũng góp đến 4 trường, trong đó có đại học quốc gia Tsinghua, đại học quốc gia Đài Loan, đại học quốc gia Tôn Dật Tiên, đại học quốc gia Chiao Tung.
Úc góp cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương 7 trường danh tiếng là đại học Melbourne, đại học quốc gia Úc, đại học Sydney, đại học Adelaide, đại học Queensland, đại học New South Wales và đại học Monash.
Nhật Bản vẫn là một cái nôi đào tạo lớn của châu Á với đại học Tokyo, đại học Kyoto, Viện  Công nghệ Tokyo, đại học Osaka, đại học Tohoku. Cạnh đó, Hàn Quốc có đại học Khoa học và công nghệ Pohang, Viện Khoa học công nghệ cao Hàn Quốc, đại học quốc gia Seoul, đại học Yonsei.
Singapore có hai trường lọt vào top này, gồm đại học quốc gia Singapore, đại học kỹ thuật Nanyang.
Dưới đây là top 5 đại học của châu Á:
Đại học Hong Kong được khởi công năm 1910, đến nay có hơn 20 nghìn sinh viên đang theo đuổi các ngành y, công nghệ sinh học, công nghệ nano, khoa học máy tính, luật, kiến trúc, Trung Hoa học…
Đại học Tokyo đã sản sinh ra 15 thủ tướng cho nước Nhật, được thành lập năm 1877 theo chính sách mở cửa của Nhật hoàng. Trường hiện có 12 khoa, gần 30.000 sinh viên, 11 viện nghiên cứu các vấn đề như động đất.
 Đại học Khoa học và công nghệ Pohang (Hàn Quốc) là một viện nghiên cứu tư nhân nhưng chủ tịch công ty sắt thép Pohang khi lập nên đại học này đã nói: “Chúng ta nhập gì thì nhập chứ không nhập khẩu được tài năng con người”. Kể từ đó, trường Pohang chuyên đào tạo những kỹ sư giỏi cho ngành công nghiệp, lập một viện nghiên cứu robot tự động và thu hút hơn 3.000 sinh viên mỗi năm.
 Đại học quốc gia Singapore khi thành lập năm 1905 mới chỉ là một trường đào tạo y khoa nhỏ, nhưng giờ đã hướng đến tầm vóc toàn cầu và chuyên đào tạo chuyên gia cho châu Á ở 14 khoa và trường trên 3 cơ sở.

 Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) thành lập năm 1898, lúc đó như là một trường của Hoàng gia, sau đó có tên này vào năm 1912 và sáp nhập với đại học Y Bắc Kinh năm 2000. Hiện trường có hơn 30.000 sinh viên và 2.900 học giả giảng dạy.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét