Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

Du học tại Việt Nam

Không trúng tuyển ĐH chính quy, thí sinh vẫn có thể vào ĐH theo học các chương trình liên kết do chính các trường ĐH tổ chức với điều kiện phải bảo đảm khả năng tài chính.
Khác với vài năm trước, các chương trình liên kết với nước ngoài chủ yếu thực hiện đào tạo sau ĐH (phổ biến là đào tạo thạc sĩ), năm 2010 là thời điểm các chương trình liên kết đào tạo (CTLKĐT) cử nhân ĐH thật sự “bùng nổ”, đa dạng về đối tác nước ngoài, phương thức tuyển sinh, đào tạo cũng như mức học phí…
Đa dạng
Đến nay, hầu hết các trường ĐH công lập đều có CTLKĐT với nước ngoài để thí sinh lựa chọn. Trong đó, trường ĐH có quy mô đào tạo càng lớn, có nhiều ngành đào tạo, lại càng có nhiều CTLKĐT. Dẫn đầu về số lượng là ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM. ĐHQG Hà Nội có hẳn một khoa quốc tế chuyên triển khai các CTLKĐT với nước ngoài, hiện đang cùng lúc triển khai hàng loạt chương trình đào tạo với các đối tác từ tám nước với nhiều hình thức tuyển sinh, mức độ đầu vào khác nhau và bằng cấp cũng rất khác nhau.
Một số đơn vị thành viên của ĐHQG Hà Nội cũng không kém cạnh với hàng loạt CTLKĐT với đối tác nước ngoài, thậm chí với cùng một đối tác: ĐH Ngoại ngữ có hai CTLKĐT: với ĐH Picardie Jules Verne (Pháp) và ĐH Thiểm Tây (Trung Quốc) đào tạo ngành ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Trường ĐH Công nghệ liên kết với ĐH Troy (Hoa Kỳ) đào tạo khoa học máy tính ứng dụng và với ĐH New South Wales (Úc) đào tạo hai ngành công nghệ thông tin và điện tử. Trong sáu CTLKĐT với nước ngoài của Trường ĐH Kinh tế cũng có một chương trình đào tạo bậc ĐH với ĐH Troy.
Tương tự, ĐHQG TP.HCM có chương trình hợp tác du học Hoa Kỳ (AUCP) là chương trình đào tạo chuyển tiếp hai giai đoạn ký kết với nhiều đối tác như Trường ĐH Houston – Clear Lake (bang Texas) và 12 trường ĐH công lập ở bang Oklahoma… Trong khi các trường thành viên cũng có những CTLKĐT trực tiếp với các đối tác nước ngoài.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục có một danh sách các CTLKĐT rất đa dạng về đối tác với các cơ sở đào tạo của CH Czech, Hoa Kỳ, Pháp Đức, New Zealand… Các trường khối kinh tế không thua kém về số lượng CTLKĐT phải kể đến trường ĐH Kinh tế TP.HCM với 7 chương trình, ĐH Ngoại thương với 8 chương trình, ĐH Thương mại có tới 10 chương trình cả ĐH và sau ĐH…
Đầu vào dễ
Các CTLKĐT có một điểm chung là đầu vào rất mở, có thể nói là khá dễ dãi so với phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy hiện nay, thường chỉ yêu cầu đầu vào tốt nghiệp THPT, một số chương trình có yêu cầu lấy điểm thi chỉ bằng điểm sàn ĐH làm căn cứ xét tuyển nhưng nếu thí sinh chưa đạt sẽ được cho nợ để vào học dưới hình thức dự bị. Ngoài ra để trở thành SV của các CTLKĐT, người học được yêu cầu phải đạt trình độ nhất định một ngoại ngữ, thông thường là tiếng Anh. Nhưng trên thực tế, yêu cầu về ngoại ngữ luôn được các CTLKĐT thực hiện một cách du di, không ít nơi sẵn sàng cho người học nợ các chứng chỉ ngoại ngữ.
Theo nhiều cán bộ quản lý liên kết đào tạo, yêu cầu về ngoại ngữ tuy không cao như đối với đi du học nước ngoài nhưng vẫn khá cao so với mặt bằng HS tốt nghiệp THPT. Vì thế nếu làm cứng yêu cầu về ngoại ngữ, các CTLKĐT sẽ khó tuyển đủ số lượng như mong muốn. Thậm chí, gần đây nhiều CTLKĐT còn nới rộng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ theo hướng tuyển vào rồi dành 1-2 học kỳ đầu tiên để dạy ngoại ngữ.
Trong thông báo tuyển sinh của CTLKĐT với Pháp của ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) không yêu cầu SV phải biết tiếng Pháp mà thông báo sẽ dành tới 900 tiết dạy tiếng Pháp để sau đó SV có thể nghe giảng bằng tiếng Pháp. Vì vậy, có thể nói để trở thành SV của các CTLKĐT hiện nay, quan trọng nhất là có đủ khả năng tài chính kham nổi mức học phí thường tính bằng đơn vị “ngàn đô” cho mỗi năm học.
THANH HÀ
theo tuổi trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét